Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di
chúc (tháng 5-1965), cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thử thách vô cùng
to lớn: Ngày 7-2-1965, đế quốc Mỹ dùng không quân mở chiến dịch “Mũi lao lửa”
và từ ngày 2-3-1965, Mỹ ném bom liên tục, ác liệt hơn gọi là “sấm rền” đánh phá
liên tục miền Bắc Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và
hải quân đối với miền Bắc.
Ở miền Nam, ngày 8-3-1965, Mỹ đưa đơn vị chiến
đấu đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ gồm 3.500 lính thủy đánh bộ đổ bộ lên Đà Nẵng
và Chu Lai, bắt đầu tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ.
Trên bình diện quốc tế, sự vận động, phát triển
của phong trào cộng sản quốc tế đã làm nảy sinh sự bất đồng giữa các nước trong
phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là giữa hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc.
Những bất đồng này đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự đồng tình, ủng hộ về vật chất
và tinh thần của các nước anh em cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân
Việt Nam. Thực tế này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong Di chúc,
Người đã tiên liệu được sự khó khăn, gian khổ, lâu dài của cuộc kháng chiến
chống Mỹ nhưng Người khẳng định giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất
nước là một tất yếu, dù phải kéo dài, dù có thể ta phải hy sinh thêm nhiều của,
nhiều người nữa.
Khát vọng và niềm tin tất thắng của Lãnh tụ Hồ
Chí Minh về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam còn được thể hiện
việc Người hoạch định cụ thể về một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn
dân về công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý
xã hội, về xây dựng văn hóa mới trong xã hội xã hội chủ nghĩa, về mục tiêu chủ
nghĩa xã hội mà nước ta hướng tới... Trong đó, những đề nghị của Người về miễn
thuế nông nghiệp 1 năm, để “đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm phấn khởi,
đẩy mạnh sản xuất”; về xây dựng lại thành phố, làng mạc; về xây dựng những vườn
hoa, bia tưởng niệm các liệt sĩ, “để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho
nhân dân ta”... thực sự thiết thực, cụ thể, đầy tính nhân văn.
Vẫn là Hồ Chí Minh – một con Người đầy bao
dung nhân ái, đã dành tình thương yêu cho hết thảy mọi người: Từ những người đã
hy sinh một phần xương máu cho công cuộc kháng chiến, là cha mẹ, vợ con thương
binh, liệt sĩ, là bà con nông dân, là thanh niên, phụ nữ…; Người lo cho hiện
tại, lo đào tạo cho tương lai...
Trong ứng xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng
trước hết phải biết tự ứng xử. Khiêm nhường, chu đáo, cẩn thận, với mình thì
nghiêm, với người thì rộng lòng khoan thứ. Mặc dù uy tín rất cao, có khả năng
thu hút, tập hợp quần chúng rất lớn, được toàn dân suy tôn là "Cha già của
dân tộc" nhưng không bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mình đứng cao hơn nhân
dân. Người tự cho mình là "người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước
mặt trận", là "người đày tớ trung thành của đồng bào". Lúc sinh
thời, nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc,
Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo, nêu một
tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân.
Cho nên, cũng dễ hiểu tại sao khi phần mở đầu Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
cố chọn một cách “vào đề” phù hợp nhất để nói điều mà toàn dân và cả chính bản
thân Người không ai muốn: “...tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc
thôi, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh
khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Một
đoạn mở đầu đơn giản, độc đáo, đậm chất nhân văn và có sức thuyết phục cao, làm
lay động lòng người.
Người “có ý định đến ngày đó” sẽ đi khắp hai
miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước, và thay mặt nhân dân Việt
Nam “đi thăm và cảm ơn” bè bạn quốc tế đã “tận tình ủng hộ và giúp đỡ” cuộc
kháng chiến của nhân dân ta. Đó chính là phép xử thế của một nhà văn hóa lớn,
thể hiện tư cách rất đúng đắn của vị lãnh tụ Đảng cầm quyền, thấu hiểu được vai
trò của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại; thấu hiểu được vai
trò của nhân dân, là gốc, là chủ thể của sự nghiệp cách mạng, xây dựng và đổi
mới đất nước.
Khiêm nhường trong vị thế một nguyên thủ quốc
gia, một Hồ Chí Minh cũng rất giản dị trên cương vị một lãnh tụ của nhân dân
Việt Nam. Phút cuối của đời mình, sau khi dành tâm tư, tình cảm cho Đảng, cho
dân, cho phong trào cách mạng thế giới, ung dung và thư thái, Hồ Chí Minh để
lại mấy dòng cuối cùng trong Di chúc để viết về việc riêng của mình. Người dùng
đến 8 từ “phục vụ”, không hề dùng một từ nào biểu đạt rằng mình là người lãnh
đạo, hay đứng cao hơn mọi người. Và niềm nuối tiếc duy nhất của Người không
phải vì không được sống lâu hơn như lẽ thường tình, như mục đích thụ hưởng mà
“chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, càng tìm hiểu, nghiên cứu văn kiện đặc biệt này, càng khẳng định
rằng, bao giờ và ở đâu, vẫn luôn ngời sáng tấm gương Hồ Chí Minh – tấm gương
của đạo đức cách mạng, chí công vô tư; tấm gương của một con người vĩ đại mà
khiêm nhường hết mực.
Học và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên,
mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong
sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt
Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như ý nguyện của
Người./.
XT81/QĐND